Trường Học
Phần này của Tài Liệu Hướng Dẫn dành cho phụ huynh hoặc người giám hộ các em trong độ tuổi đến trường đang theo học hoặc sắp đi học mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở hoặc trung học phổ thông ở PEI. Thông tin về các trường cao đẳng và đại học có thể được tìm thấy trong phần Giáo Dục Dành Cho Người Lớn. Bản thân các em học sinh có thể tìm thấy một số thông tin hữu ích ở đây:
Thông tin chung
Ở Canada, các trường công lập được quản lý bởi các hội đồng giáo dục. Có hai văn phòng hội đồng giáo dục công lập ở Đảo Hoàng tử Edward:
- Phòng Giáo Dục Công Lập (Public Schools Branch- quản lý các trường công lập dạy bằng tiếng Anh)
- Hội Đồng Các Trường Tiếng Pháp (La Commission scolaire de langue française - quản lý các trường công lập dạy bằng tiếng Pháp)
Ngoài ra còn có các trường tư thục ở PEI. Những trường này không được hội đồng giáo dục công lập quản lý hay được tài trợ từ ngân sách nhà nước.
Một số phụ huynh chọn 'học tại nhà' (home educate) cho con của mình - trẻ ở nhà và cha mẹ của chúng (cả cha và mẹ hoặc một trong hai người) đóng vai trò là thầy cô giáo cho con của mình. Nếu lựa chọn như vậy, phụ huynh phải trình bày kế hoạch của mình và gửi giáo án giảng dạy cho Sở Giáo Dục. [Xem Các Nguồn Tham Khảo Liên Quan]
Các Cấp Học Phổ Thông Công Lập ở PEI
- Mẫu giáo (giáo dục mầm non bắt buộc; trẻ em 5 tuổi trở lên hoặc tròn 5 tuổi vào ngày 31 tháng 12 của năm học có thể được đăng ký nhập học)
- Trường tiểu học (lớp 1 đến lớp 6)
- Trường trung học cơ sở (còn gọi là 'junior high school' hay trường cấp II, lớp 7 đến lớp 9)
- Trường trung học phổ thông (lớp 10 đến lớp 12)
Giáo dục công lập, từ mẫu giáo đến lớp 12 là miễn phí cho tất cả những ai là thường trú nhân ở PEI. Các trường cao đẳng và đại học được nhận một phần ngân sách nhà nước, nhưng không miễn phí.
Điều quan trọng cần lưu ý là, vì mất nhiều thời gian để học ngôn ngữ mới, một số học sinh mới nhập cư có thể không thể tốt nghiệp phổ thông ở tuổi mười bảy hoặc mười tám như một số bạn cùng lứa sinh ra ở Canada. Phần lớn phụ thuộc vào trình độ tiếng Anh hoặc cấp lớp của mỗi học sinh tại thời điểm đến Canada.
Lưu ý là hệ thống chấm điểm trong các trường ở PEI có thể khác với hệ thống đánh giá ở quốc gia bạn sinh sống trước đây. Thông thường, ở các lớp bậc tiểu học, học sinh có điểm nhận xét và ngoài ra các cháu được đánh giá bằng tỷ lệ phần trăm và theo thang điểm từ A (điểm tốt nhất) đến F (điểm kém nhất, điểm rớt). Hãy trao đổi với thầy cô giáo của con để tìm hiểu thêm về hệ thống đánh giá ở trường và cấp lớp của trẻ.
Phân tuyến trường học
Trường con bạn theo học được xác định bởi nơi cư trú của gia đình bạn. Học sinh theo học trường đúng tuyến với địa bàn cư trú có thể được đưa đón đến trường (bằng xe buýt đưa rước học sinh).
Nếu nhà của bạn gần trường (trong khoảng cách đi bộ được), con bạn có thể không được đi xe buýt đưa rước học sinh.
Dịch Vụ Hỗ Trợ Học Tập Bậc Phổ Thông
Bước đầu tiên để đăng ký nhập học cho một học sinh mới nhập cư là phụ huynh hoặc người giám hộ của trẻ ở độ tuổi đến trường sắp xếp một cuộc hẹn với đội ngũ Hỗ Trợ Học Tập Bậc Phổ Thông (YS) tại PEIANC. cung cấp các giấy tờ và thông tin quan trọng cho đội ngũ YSS tại PEIANC. Các chuyên gia của YSS giúp các gia đình việc đăng ký trường và đóng vai trò là người hỗ trợ cho các học sinh nhập cư trong hệ thống trường học. [Xem Các Nguồn Tham Khảo Liên Quan]
Yêu cầu cần có những loại giấy tờ sau đây khi đăng ký nhập học ban đầu:
- Văn bản xác nhận tuổi của trẻ -- giấy khai sinh hoặc hộ chiếu
- Văn bản xác nhận địa chỉ cư trú -- hợp đồng thuê nhà với tên và địa chỉ của bạn
- Giấy tờ xác nhận tình trạng định cư của trẻ -- Hồ Sơ Nhập Cảnh (Record of Landing) hoặc giấy xác nhận điều kiện thường trú nhân
- Hồ sơ tiêm chủng -- bằng chứng xác nhận trẻ đã được tiêm ngừa ở quốc gia sinh sống trước đây
- Học bạ hoặc bảng điểm trước đây -- nhằm giúp xếp lớp phù hợp cho trẻ
Học Ngoại Ngữ
Đánh giá năng lực ngoại ngữ
Mỗi học sinh mới nhập cư đều được yêu cầu đến Trung Tâm Tiếp Nhận học sinh EAL / FAL thuộc Sở Giáo Dục (EAL = Tiếng Anh Là Ngôn Ngữ Thứ Hai, FAL = Tiếng Pháp Là Ngôn Ngữ Thứ Hai). Sau khi làm hồ sơ tiếp nhận, và được sự cho phép của phụ huynh hoặc người giám hộ, một chuyên gia đánh giá sẽ thực hiện một bài kiểm tra trình độ ngôn ngữ của trẻ. Việc đánh giá này nhằm xác định mức độ trẻ cần học phụ đạo thêm tiếng Anh hoặc tiếng Pháp một khi trẻ bắt đầu đi học trường phổ thông. Đội ngũ YSS tại PEIANC sẽ hỗ trợ đặt lịch hẹn làm kiểm tra đánh giá trình độ và sắp xếp một người phiên dịch nếu có yêu cầu.
Dựa trên kết quả bài kiểm tra trình độ ngôn ngữ, chuyên gia đánh giá sẽ đề nghị cách thức hỗ trợ cho việc học ngoại ngữ. Các em học sinh có thể được đề nghị học với Giáo Viên Cơ Động EAL hoặc FAL tại trường, phối hợp với các buổi học thông thường. Nếu có khả năng sử dụng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp tốt, các em sẽ được đề nghị tham gia các lớp học thông thường mà không cần hỗ trợ học phụ đạo về ngôn ngữ.
Các Giáo Viên Cơ Động EAL hoặc FAL giúp học sinh đáp ứng được mục tiêu chương trình học tại trường của các em. Học sinh được theo dõi suốt cả năm học để xác định mức độ tiến bộ và đánh giá xem có bất cứ nhu cầu gì cần hỗ trợ thêm.
Học Tiếng Pháp
Phần lớn các chương trình học ở PEI là bằng tiếng Anh. Nếu chọn tiếng Pháp là ngôn ngữ ưu tiên cho con, bạn có một số lựa chọn như sau:
- Chương trình Học Tiếng Pháp cơ bản bắt đầu từ lớp 4
- Chương Trình Học Tiếng Pháp Tăng Cường bắt đầu từ mẫu giáo
- Chương Trình Học Tiếng Pháp Tăng Cường bắt đầu từ lớp 7 (còn gọi là "chương trình học tiếng Pháp tăng cường bắt đầu muộn" - late immersion)
- Chương Trình Học Tiếng Pháp Là Ngôn Ngữ Thứ Nhất
Nhiều phụ huynh chọn đăng ký cho con mình tham gia chương trình Tăng Cường Tiếng Pháp ngay cả khi họ không phải là người nói tiếng Pháp. Vì tiếng Pháp cũng là một ngôn ngữ chính thức ở Canada, biết tiếng Pháp có thể là có nhiều cơ hội việc làm và học tập hơn trong tương lai.
Lưu ý là không phải tất cả các trường đều có các chương trình tiếng Pháp được đề cập ở trên.
Đăng Ký Nhập Học
Xếp Lớp
Khi đăng ký nhập học, việc xếp lớp được xác định theo tuổi và cấp lớp học sinh đã hoàn thành ở quốc gia từng sinh sống trước đây.
Đăng Ký Tại Trường
Một khi xác định được trường học, cấp lớp và nhu cầu hỗ trợ học EAL hoặc FAL, một buổi hẹn với phụ huynh hoặc người giám hộ hợp pháp để đăng ký học cho trẻ tại trường được thực hiện. Một người phiên dịch (nếu cần), một vị đại diện của Trung Tâm Tiếp Nhận học sinh EAL/FAL của Sở Giáo Dục, và một vị đại diện của trường sẽ có mặt. Họ sẽ đưa học sinh và phụ huynh hoặc người giám hộ hợp pháp tham quan trường và cung cấp thông tin quan trọng về trường.
Hội Thảo Giới Thiệu Về Trường Học Và Các Quy Định
Tất cả phụ huynh và học sinh mới nhập cư sẽ được mời tham dự Hội Thảo Giới Thiệu Về Trường Học Và Các Quy Định. Một người phiên dịch sẽ có mặt để đảm bảo rằng mọi người đều tiếp nhận được tất cả thông tin bằng ngôn ngữ mẹ đẻ.
Các Chính Sách Của Trường Học
Các chính sách của trường học là các nội quy và quy định được thiết lập để đảm bảo các hành vi chấp nhận được của học sinh, giáo viên và nhân viên nhà trường, vì lợi ích của mọi cá nhân liên quan. Dưới đây là một số ví dụ về các quy định ở các trường học thuộc Đảo Hoàng Tử Edward:
Quy Định Giữ Gìn Bảo Vệ Trường Học
Quy định này được đưa ra nhằm đảm bảo các trường học cung cấp một môi trường làm việc và học tập lành mạnh, an toàn và mang tính hỗ trợ cho mọi học sinh, thầy cô giáo và nhân viên của nhà trường. Quy định hướng dẫn mọi người trong trường đối xử tốt với nhau, hướng dẫn học sinh, thầy cô giáo và nhân viên thể hiện sự quan tâm và tôn trọng sự khác biệt và giá trị độc đáo của mỗi cá nhân.
Chính sách bao gồm quy tắc "không dùng tay đụng chạm" (hands off) - nếu học sinh không đụng chạm thân thể một học sinh khác, sẽ không có sự hiểu lầm.
Không chấp nhận bất kỳ hành vi nào liên quan đến bạo lực, phân biệt đối xử, bắt nạt, lạm dụng tình dục, đe dọa, xâm phạm và sở hữu vũ khí.
Quy Định Đi Học Đầy Đủ
Việc đi học đều là cần thiết nhằm duy trì cơ hội học tập của con bạn và đáp ứng các yêu cầu đánh giá kết quả học tập. Phụ huynh hoặc người giám hộ nên liên hệ với nhà trường hoặc gửi thư thông báo nếu con của mình không đến lớp hoặc cần phải ra về sớm.
Quy Trình Kỷ Luật
Hình thức kỷ luật phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng và tần suất vi phạm. Các hình thức kỷ luật có thể bao gồm cảnh cáo, cấm túc tại trường sau giờ học hoặc vào buổi trưa, thông báo với phụ huynh, giao bài tập làm thêm, nói chuyện với giáo viên, đình chỉ các hoạt động ngoại khóa hoặc đình chỉ học. Ở Canada, giáo viên không được trừng phạt trẻ em bằng đòn roi.
Chính Sách Về Hoạt Động Ngoại Khóa
Các hoạt động ngoại khóa là các hoạt động liên quan đến trường học diễn ra bên ngoài lớp học. Một số ví dụ về các chính sách hoạt động ngoại khóa là:
- Phải có văn bản theo mẫu quy định được phụ huynh xác nhận đã đồng ý trước khi học sinh tham gia bất kỳ hoạt động ngoại khóa nào. Không có chữ ký có nghĩa là không tham gia.
- Tiền phí (nếu có) phải được thanh toán đây đủ.
- Học sinh tuân theo các quy tắc ứng xử chung.
- Nếu một học sinh bị kỷ luật đuổi học hoặc bị đình chỉ học, thì cũng bị ngừng các hoạt động ngoại khóa.
Sách được mượn từ thư viện trường, cũng như sách giáo khoa của trường phải được trả lại trong điều kiện chấp nhận được |
Phần lớn các trường học đều có quy định về việc sử dụng điện thoại di động và các thiết bị điện tử khác. Ở hầu hết các trường học, học sinh bị cấm sử dụng các thiết bị điện tử trong lớp và theo quy định của một số trường, học sinh không được phép sử dụng cả trong khuôn viên của trường. |
Học sinh không được phép sở hữu, bán hoặc dùng bất kỳ chất kích thích bất hợp pháp (rượu và ma túy) nào ở trường hoặc tại các sự kiện do nhà trường tổ chức. Không được phép hút thuốc ở trong khuôn viên trường. |
Để đảm bảo an toàn, học sinh phải tôn trọng tài xế xe buýt và chú ý đến những lời nói của tài xế. Bất kỳ hành vi sai trái trên xe buýt sẽ được báo cáo cho người chịu trách nhiệm của nhà trường. |
Các Thông Tin Bổ Sung
Một số điều cần lưu ý thêm:
Bài Tập Về Nhà
Học sinh, với sự hỗ trợ của phụ huynh, có trách nhiệm hoàn thành bài tập về nhà. Hãy liên hệ với giáo viên của con bạn nếu bạn nhận thấy trẻ phải vật lộn với các bài tập ở trường.
Họp phụ huynh
Hàng năm, có hai buổi họp phụ huynh chính thức được tổ chức. Phụ huynh được khuyến khích tham gia. Ngoài các buổi họp theo lịch, phụ huynh có thể hẹn gặp thầy cô giáo để trao đổi vào bất cứ lúc nào.
PEIANC sẽ cung cấp thông dịch viên cho các cuộc họp giữa phụ huynh với giáo viên và các buổi trao đổi thông tin với nhà trường, nếu thấy cần thiết.
Vệ Sinh Cá Nhân và Trang Phục Phù Hợp
Học sinh không phải mặc đồng phục đến trường ở PEI. Học sinh nên mặc quần áo phù hợp với môi trường học đường. Không được phép mặc áo thun hoặc các loại quần áo khác có những thông điệp tục tĩu hoặc khuyến khích các hành vi bất hợp pháp hoặc vô đạo đức.
Hãy đảm bảo là con bạn mặc quần áo phù hợp với thời tiết khi ra ngoài. Vào mùa đông, trời rất lạnh và học sinh nên đội mũ, mặc áo khoác mùa đông, quần chống tuyết, găng tay và ủng mùa đông.
Học sinh được yêu cầu mặc quần áo thể dục và giày thể thao phù hợp trong giờ học Thể Dục (Giáo Dục Thể Chất).
Cần quan tâm đến việc giữ vệ sinh cá nhân nhằm thể hiện sự tôn trọng bản thân và người khác. Không nên dùng các sản phẩm vệ sinh cá nhân có mùi thơm nồng khi đi học, vì có những người bị dị ứng hay cảm thấy khó chịu với mùi thơm.
Ăn Uống Tại Trường
Chương Trình Bữa Sáng Học Đường -- ở một số trường tiểu học và trung học cơ sở có phục vụ miễn phí bữa ăn sáng đầy đủ chất dinh dưỡng cho học sinh. Học sinh muốn ăn sáng phải có mặt ở trường khoảng 30 phút trước khi lớp học bắt đầu.
Ăn Trưa -- Học sinh tiểu học không được phép rời khỏi khuôn viên trường trừ khi được sự đồng thuận bằng văn bản của cha mẹ. Các em phải mang thức ăn trưa từ nhà. Học sinh ăn trưa trong lớp học. Ngoài ra còn có thời gian ăn nhẹ vào buổi sáng cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở.
Có nhà ăn trong các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông, là nơi học sinh có thể mua thức ăn trưa, hoặc ngồi ăn trưa với thức ăn mang theo từ nhà. Bắt đầu vào lớp 8, học sinh thường được phép rời khỏi khuôn viên trường vào giờ ăn trưa nếu muốn.
Đồ Dùng Cá Nhân
Học sinh tiểu học phải có một đôi giày đi trong nhà (indoor shoes) ở trường, mà các em luôn mang khi vào lớp. Các em sẽ được cung cấp một ngăn tủ để cất giữ giày đi ngoài đường, áo khoác, hộp đựng thức ăn trưa, v.v.
Ở các trường trung học cơ sở và trung học, mỗi học sinh được giao một hộc tủ có khoá (locker). Hộc tủ có khoá được dùng để cất giữ quần áo và sách vở một cách an toàn, không bị mất. Học sinh nên giữ bí mật mã số khóa và luôn khóa hộc tủ của mình.
WPhải làm gì nếu con bạn không cảm thấy vui vẻ?
Trẻ em có thể cảm thấy lo lắng khi có những thay đổi diễn ra trong cuộc sống của chúng. Điều này có thể ảnh hưởng đến cách các em suy nghĩ và cảm nhận.
Nhân viên nhà trường và đội ngũ YSS có thể giúp bạn nếu con bạn gặp vấn đề. Bạn nên liên hệ với giáo viên hoặc nhân viên YSS nếu như con bạn:
- cảm thấy không vui ở trường
- cần thêm sự trợ giúp về việc học ngôn ngữ
- không hiểu bài tập ở trường
- cảm thấy việc học quá khó hoặc quá dễ
- có vấn đề với những đứa trẻ khác